Trước thời điện toán đám mây, bạn muốn làm thứ gì thì cũng phải tự mình thực hiện, tự bỏ tiền ra đầu tư hầu như từ đầu đến cuối. Ở vai trò người dùng cá nhân, nếu bạn muốn lưu dữ liệu, bạn phải tự bỏ tiền mua một cái ổ cứng. Bạn muốn sao lưu dữ liệu thường xuyên và ngay lập tức? Ngoài ổ cứng ra còn phải tự đi kiếm phần mềm, tự kết nối nó vào mạng nếu muốn. Nếu bạn muốn làm một website, bạn phải tự mình đi mua máy chủ về lắp rắp rồi cấu hình mọi thứ. Bạn muốn quản lý doanh số của cửa hàng tại gia, bạn phải tự đi mua phần mềm kế toán hay phần mềm bán hàng rồi cài đặt nó lên máy tính ở nhà.
Và tất cả những thứ đó không chỉ dừng lại ở lúc mua. Số tiền bạn chi ra còn đi theo bạn sau đó, tạm gọi là tiền "bảo dưỡng" hay "bảo trì". Bạn mua ổ cứng về, lỡ nó hư thì tự bạn phải mang đi bảo hành. Xui xui hết thời gian bảo hành thì vừa mất dữ liệu vừa tốn thêm tiền mua ổ khác. Bạn cài máy chủ, xong bạn phải tự bảo trì cho nó, tự lo về hệ thống làm mát, tự lo backup (hoặc nếu bạn thuê người khác làm thì cũng không khác máy, chỉ là bạn bỏ tiền ra nhờ người ta làm giúp thôi). Bạn cài phần mềm kế toán, rồi mỗi khi nó có update thì bạn phải đi cài lại vào máy tính của mình, nếu có lỗi thì bạn phải tự sửa (hoặc gọi điện hỏi hãng cách sửa).
Những vấn đề này nhìn qua thì có vẻ đơn giản nhưng thực chất nó tốn của bạn rất nhiều công sức và tiền bạc, chưa kể là nó cũng khiến bạn dễ mất dữ liệu quan trọng hơn (như trong ví dụ ổ cứng nói trên). Đối với các doanh nghiệp thì chi phí "bảo trì" cũng rất lớn vì họ không chỉ xài những phần mềm nhỏ nhỏ dạng như Word, Excel, PowerPoint mà là những hệ thống quản lý đồ sộ và phức tạp, với dữ liệu vào ra liên tục nên chỉ một hỏng hóc nhỏ cũng có thể làm mất cả triệu USD doanh thu hoặc làm việc sản xuất bị đình trệ. Họ phải nuôi cả một đội ngũ nhân viên để cài đặt, cấu hình, thử nghiệm, chạy, đảm bảo an toàn cũng như cập nhật hệ thống của mình. Nếu bạn đem số tiền đó nhân cho số lượng cả trăm app mà doanh nghiệp dùng, rõ ràng chi phí đó không nhỏ chút xíu nào.
Rồi điện toán đám mây ra đời, nó giúp giải quyết phần nào việc bạn phải tự quản lý phần cứng và phần mềm của mình. Bạn cần lưu dữ liệu? Có OneDrive, có Dropbox, có Google Drive giúp bạn. Rõ ràng bạn chẳng cần quan tâm file của mình đang lưu trên cái HDD nào, nó có hỏng hay không, có cần phải backup ra HDD phụ hay không, nó đang nằm ở chỗ nào. Bạn cũng chẳng cần quan tâm đến việc kết nối máy này với máy khác để nhận file ở hai nơi. Mọi thứ đã được "chăm sóc" bởi nhà cung cấp dịch vụ đám mây rồi và trong trường hợp này đó chính là Dropbox, Google hay Microsoft. Nếu HDD hỏng, tự họ sẽ thay thế, tự họ sẽ làm thao tác backup định kỳ, bạn chẳng phải bận tâm.
Một ví dụ khác: danh bạ điện thoại. Trước đây, bạn phải tự mình backup danh bạ định kì ra máy tính, phải giữ các file danh bạ đó, rồi nếu đổi điện thoại thì phải cài lại danh bạ rất mất thời gian. Giờ thì đã có Google, có Apple, có Microsoft hay BlackBerry lo chuyện danh bạ cho bạn. Mỗi khi bạn thêm số mới, danh bạ sẽ được đồng bộ lên "mây" và chứa trên đó. Trong trường hợp bạn chuyển sang điện thoại khác, danh bạ có thể được tải về một cách nhanh chóng. Không còn phải backup thường xuyên, không cần chép file thủ công nữa.
Với doanh nghiệp, họ bắt đầu di chuyển các ứng dụng hay phần mềm của mình lên đám mây. Cần phần mềm kế toán? Chỉ cần vào trình duyệt, click click vài cái, xong. Bạn không cần quan tâm đến việc phần mềm đó đang cài ra sao, cài trên máy chủ có địa chỉ IP là bao nhiêu, khi có update thì nó cũng tự động làm luôn. Bạn chỉ việc mở nó ra và dùng thôi. Muốn mở rộng thêm? Dễ ẹc, trả thêm tiền là có thêm user. Muốn chạy 24/7 mà không phải nghĩ đến tiền điện cho máy lạnh làm mát? Cũng có luôn.